Người Thủy Thủ Già

Lê Bá Thông




Sáng hôm đó ông dậy thật sớm, sửa soạn dụng cụ cho chuyến ra khơi câu cá. Trời còn nhiều sương mù, phủ kín những cây dừa đằng sau nhà. Phía xa mù mịt kia là bãi biển, bên tay mặt là bến tàu đậu, nằm khuất vào trong eo biển nhỏ. Tàu của ông nằm xen lẫn với những chiếc tàu to nhỏ khác của những người hầu hết đã về hưu trí, chỉ một số ít người hiện nay vẫn còn tiếp tục đi làm việc ở nơi khác. Họ mua nhà tại vùng eo biển hẻo lánh này rồi thỉnh thoảng về đây nghỉ hè, lấy tàu ra biển câu cá hay thả bước dọc theo bãi biển cát trắng trong những buổi sáng đẹp trời. Thường thường họ chỉ đến chơi độ một hai tuần lễ rồi lại đi. Họ thuê những người địa phương chăm sóc, tu bổ nhà cửa và tàu bè của họ trong khi họ đi vắng. Ðã nhiều lần ông gặp những cặp vợ chồng trung niên hoặc trẻ hơn trong những chuyến chuẩn bị ra biển tại bến tàu, họ rất là vui tính và ông cũng đã gây được nhiều cảm tình với họ qua những câu chào hỏi xã giao.

Riêng cá nhân ông cũng đã về hưu được hơn một năm nay vì ông bị bệnh áp huyết rất cao, công việc làm càng ngày càng không thích hợp với ý muốn của ông và nhiều áp lực chi phối mà Bác sĩ nói là không tốt cho sức khỏe của ông. Cách đây sáu tháng vợ chồng ông quyết định dọn về đây để vừa sống gần biển và vừa gần các con cháu của ông. Hai vợ chồng nhất định chọn vùng biển này để sống trong những ngày cuối của cuộc đời, vì phong cảnh nơi đây giống như bãi biển ngày xưa ở quê nhà, rất nên thơ và không nhộn nhịp ồn ào. Nơi này đã gợi lại trong ông những kỷ niệm êm đềm ngày xưa cũ lúc ông đang còn phục vụ trong Hải quân. Eo biển tương đối nhỏ nhưng rất là thơ mộng với nhiều gành đá và hàng dừa xanh, chim hải âu lượn quanh tìm mồi trong những buổi sáng đẹp trời như hôm nay.

Ông ta thích dậy thật sớm để ngắm mặt trời mọc từ chân trời, như ông đã từng thích thú nhìn lúc xưa. Nhiều người bạn cũ khi nghe ông về hưu đã viết thư đề nghị mời hai vợ chồng qua ở bên bờ biển phía tây, tại tiểu bang California với họ. Những người này nói là ở bên đó ấm hơn, khí hậu điều hòa quanh năm và nhất là có cảm tưởng như mình được sống gần quê hương hơn. Ông đã viết thư trả lời và cám ơn những người này, ông ta nửa đùa nửa thật nói là ở bên đó đâu có được ngắm cảnh mặt trời mọc trên biển khơi, chỉ có nhìn mặt trời lặn mà thôi. Ông mỉm cười khi nghĩ đến khuôn mặt của bạn mình lúc đọc thư của ông. Có lẽ họ sẽ thất vọng nhưng chắc cũng đồng ý với ông về triết lý "mặt trời mọc là nguồn sinh lực của muôn loài, mặt trời lặn là sự chấm dứt của vạn vật"

Sau bao nhiêu năm chiến đấu và tranh sống trong vội vã, ông cố tìm một giải đáp cho chính mình về quan niệm nhân sinh; vận mệnh và cuộc chiến đã đẩy đưa ông qua bao nhiêu biến cố thử thách, ảnh hưởng đến cuộc đời của hai vợ chồng. Cho đến bây giờ, câu hỏi mà ông tự đặt cho mình và mang theo mãi suốt gần sáu mươi năm, vẫn chưa có một câu trả lời để thỏa mãn niềm thắc mắc khắc khoải của ông.

Nhìn trong gương ông thấy tóc trắng nhiều hơn đen, nhìn ngày tháng trôi qua như then cửi, như rong bèo trôi ra biển và thời gian bây giờ chỉ được ông lơ đãng, không chú trọng; đếm bằng đơn vị “ngày” thay vì “giờ”. Tất cả không như bốn mươi năm tranh sống đã qua. Ông cảm thấy buồn cho tuổi đời bóng xế. Ông đã cố tìm lời giải đáp cho mình về nguyên thủy và nguồn gốc của vạn vật, của loài người và của chính bản thân ông. Ðôi khi ông bị ảnh hưởng bởi quan niệm cũ và không thể nào xóa được sự nhận thức về định luật tuần hoàn của vũ trụ và Vô thường lý của đạo Phật. Ý niệm này đã chi phối và ảnh hưởng cũng như ám ảnh ông từ hồi ông vừa rời ngưởng cửa trường trung học để gia nhập vào Hải Quân. Sau này có một thời gian ông chuyển hướng suy tư về định mệnh để an ủi và giải thích cho chính mình, khi đối diện với những biến cố xảy ra ngoài đời, hay tìm giải pháp cho những vấn đề quan trọng có liên quan đến ông. Ðể rồi cho đến bây giờ, sau khi quyết định tìm cho mình một môi trường sống trong chuỗi ngày còn lại, một lần nữa ông muốn để tâm tìm kiếm câu trả lời về câu hỏi của đời mình và vẫn chưa đi đến kết luận chắc chắn, là có phải bây giờ ông đang trở về với "cái gì" đã tạo ra ông từ ngày khởi thủy hay không ? Tuy vậy kể từ nay ông cũng cảm thấy thoải mái và hình như đã sẵn sàng đón chờ ngày trở về đó, vì tin tưởng vào lời dự đoán của ông.

Ông vẫy tay gọi con chó già đang ngoắt đuôi chờ ông tại hàng rào. Nó biết ông sắp sửa đi ra biển sáng hôm nay. Ông đến gần và mở giây xích cho nó, xong rồi vào nhà kho lấy dụng cụ, hai chiếc cần câu và thùng đựng nước đá.

Hôm nay vợ ông ở nhà để may lại mấy tấm màn cửa sổ và lo nấu một ít thức ăn chuẩn bị cho cuộc viếng thăm của gia đình cô con gái vào cuối tuần này. Bình thường thì bà ấy tháp tùng ông ra biển vì bà cũng rất thích câu cá. Ông ta hứa là sẽ mang về vài con cá ngon để bà chưng tương cho cô con gái và gia đình thưởng thức. Trước khi ông rời nhà bà ta nhắc nhở ông nhớ uống thuốc áp huyết và cẩn thận, đừng dùng quá sức sẽ có hại cho sức khỏe. Ông mỉm cười và thầm nghĩ rằng bà vợ quá lo xa vì ông đang còn khỏe mạnh lắm mà.

Trên đường từ nhà đến bến tàu, ông gặp những người láng giềng cũng đang trên đường đến chiếc tàu của họ. Khi đến tiệm bán dụng cụ và mồi câu cá, ông buộc con chó ở ngoài cửa rồi vào trong mua một bao nước đá và một lọ mồi câu cá, nói vài câu xã giao với người chủ tiệm gốc địa phương rồi đi đến chiếc tàu nhỏ của ông tại bến.

Sương mù tan dần khi ông mở giây và lái tàu ra khơi. Chiếc phao đánh dấu sơn màu đỏ có ngọn đèn phía trên, lắc lư theo gợn sóng khi tàu ông chạy ngang qua. Phía sau phao là một trụ gỗ lớn sơn màu đen mà trước đây có lẽ được dùng cho những tàu lớn buột giây vì nó nằm cao trên mặt nước. Trên cột là một tổ chim cũ còn lại những cành cây nhỏ và vài cọng lá rơm bay lưa thưa. Một con chim hải âu vừa sà cánh đáp để nghỉ chân, chim nhìn chiếc tàu chạy qua một cách lơ đảng vì chim đã quen với tàu bè ra vào eo biển này.

Tàu của ông vừa chạy ngang dưới gầm cầu của của con đường chính của vùng này. Cầu xây rất cao nên tàu đi ngang qua dễ dàng. Xa hơn tí nữa là chiếc cầu xe lửa cũng được xây cao như chiếc cầu này, hai cầu bắt ngang qua eo biển. Lâu lâu mới có một chuyến xe lửa chạy qua đây, thường vào những buổi trưa, tiếng còi tàu và tiếng máy tàu xe lửa đã nhiều lần gợi lại kỷ niệm quê hương, làm cho ông nhớ đến những ngày thức dậy sớm để đi học, khi xe lửa chạy ngang qua vùng nhà cha mẹ ông và kéo còi đánh thức mọi người dậy.

Ông liếc nhìn lên hải đồ rồi lái tàu về phía chiếc phao đánh dấu màu xanh. Qua khỏi cái phao này là tàu bắt đầu lắc nhè nhẹ. Biển lặng êm, trời không gió, mùi biển quen thuộc làm ông quên hết những gì để lại phía sau. Ông vươn mình để lồng ngực mình nở ra và hít vào thật mạnh, một luồng khoái cảm đặc biệt dâng lên, khi làn không khí trong mát hòa lẫn hơi nước biển tràn vào tận sâu trong người ông. Ông nhắm mắt lại tận hưởng mùi vị của biển cả, sự thích thú tuyệt diệu của những người yêu biển, của những người say mê biển như say mê người yêu học trò của tuổi vừa lớn, đang gợi lại cho ông những chuyến vượt trùng ngày xưa cũ đã vang bóng một thời. Ông nhìn quanh mình, thật là mênh mông, tất cả đều là một màu, màu xanh của biển hòa với màu xanh của bầu trời. Nếu không có những đám mây hồng lờ lững bay nơi cuối trời, ông chắc rằng không ai có thể phân biệt được ranh giới của nước và trời. Thiên nhiên hiện ra trước mắt như là một tấm bạt màu xanh được trải dài không điểm dứt. Những vệt trắng tô điểm cho tấm thảm trời là những gợn sóng bạc đầu, như đã được bàn tay họa sĩ điêu luyện dùng cây bút thần để làm tăng thêm nét đẹp của vũ trụ. Ông chợt liên tưởng đến vài câu trong bài thơ sáng tác vào năm 1848 của Cecil Francis H. Alexander và rồi tự đọc cho mình nghe:

All things bright and beautiful,
All creatures great and small,
All things wise and wonderful
The Lord God made them all...

Vạn vật tươi sáng mỹ miều,
Muôn loài lớn nhỏ yêu kiều đẹp xinh,
Tuyệt vời sáng lạng thông minh:
Tối cao Thượng đế công trình tạo nên...

Ông lái tàu chạy ra khơi hướng về phía tay mặt, cách bờ khoảng năm hải lý. Cũng nhờ đọc báo chí xuất bản địa phương nên ông đã biết vùng biển nào có loại cá hanh mà ông thích câu. Cứ mỗi mùa và mỗi con nước là có một loái cá khác nhau vào kiếm mồi. Mùa này có loại cá hanh biển màu đen thường vào gần bờ để kiếm thức ăn, chúng sống dưới những rong biển trôi dật dờ theo giòng nước ấm chảy từ phía nam lên đây. Loại cá này thường lội từng đàn và thích sinh hoạt chung với nhau, do đó nếu gặp đúng chỗ đàn cá kiếm ăn, ông có thể câu được đến mức giới hạn cho phép của địa phương này.

Sở dĩ số cá câu một ngày được giới hạn, vì loại cá này được bảo vệ bởi luật pháp để chúng có thể tiếp tục sinh sản và khỏi bị tuyệt giống. Có nhiều khi nghĩ về luật lệ của xứ tự do, ông cảm thấy buồn cho đất nước mình. Ở bên nhà cũng có luật lệ, nhiều hơn nữa là đằng khác. Nhưng tất cả chỉ là thứ luật lệ dùng để tăng thêm quyền hành của giới lãnh đạo, là phương tiện để nhà cầm quyền gây thêm sức mạnh để đàn áp và kiểm soát người dân vô tội, để rút tỉa xương máu của những tấm thân gầy còm, đã phải sống trong thiếu thốn, khổ đau qua năm tháng mỏi mòn.

Luật pháp ở xứ người dùng để bảo vệ quyền lợi chung của mọi người, trong tinh thần tự trọng và tự do. Hai chữ tự do ở đây không có nghĩa là ai muốn làm gì cũng được, mà người dân chỉ làm được những việc gì không xâm phạm đến quyền tự do của người khác và những hoạt động không có hại cho Quốc gia. Mới nghe qua thì có vẻ hơi khó giải thích nhưng tự nó đã nói lên được ý nghĩa của quan niệm sống dân chủ và đã được người dân tôn trọng triệt để với ý chí tự nguyện.

Ông đã đến vùng nước dự định, ông tắt máy tàu và để tàu trôi bềnh bồng theo nhịp sóng nhấp nhô và giòng nước nhẹ. Ông đánh dấu tàu mình trên hải đồ rồi sửa soạn thả câu. Con chó già chạy quanh ông, nó đã quen thuộc với sinh hoạt trên tàu nên cũng không trở ngại cho việc câu cá của ông. Con chó này đã sống với ông gần 17 năm rồi, kể từ ngày ông xin nó từ một gia đình người Mễ khi họ phải dọn vào sống trong apartment, mà nơi đây không cho phép nuôi thú vật trong nhà. Ðây là người bạn già của ông trong chuỗi ngày còn lại vì thế đi đâu ông cũng dẫn nó đi theo.

Ông móc mồi vào lưởi câu rồi tung giây cước ra xa, chờ cho mồi lắng xuống tầm sâu rồi ông kéo giây vào từ từ để xem hướng của giòng nước. Ông điều chỉnh mồi, sửa lại quả chì nằm phía trên lưởi câu cho đúng chỗ, rồi tung giây ra xa về phía trái của chiếc tàu.

Tiếng nước róc rách vỗ nhẹ vào lườn tàu nghe thật rõ vì không gian quá im lặng. Thỉnh thoảng một cơn gió thổi mạnh qua làm mảnh vải nhỏ cột tại tay lái tàu kêu phần phật.

Mặt trời đã lên cao, khoảng hướng mười một giờ. Từng tia nắng rọi xuyên qua vần mây xám tỏa thành một vùng ánh sáng rực đẹp như vầng hào quang trên đầu của tượng đức Phật Thích Ca thờ trong những ngôi chùa. Ông cảm thấy thoải mái trong tâm hồn và rất vui vì đã quyết định chọn nơi đây cho những ngày về hưu của cuộc đời mình. Ông còn nhớ khi vừa mới dọn về vùng này, giữa những người địa phương xa lạ, không có một người đồng hương ở gần nhà. Vợ ông thường than phiền vì nhớ các con cháu, nhưng sau đó cũng quen dần, các con thường đem gia đình về thăm hai vợ chồng vào cuối tuần, nên bà bắt đầu thích với cảnh sống mới.

Ông đã tạo được một mảnh vườn nhỏ, trồng một ít rau muống, rau thơm và vài cây sả để bà vợ nấu bún bò. Sau này ông xây một hòn non bộ và một hồ nuôi cá vàng sau vườn, có nước chảy thường xuyên, qua gành đá chảy róc rách xuống hồ.

Ban đầu khi mới dọn đến, vợ chồng người láng giềng có vẻ lạnh lùng nhưng sau một thời gian, họ đã trở thành bạn thân. Bà vợ thường làm bánh ngọt đem qua cho vợ chồng ông và người chồng thỉnh thoảng vào buổi chiều qua ngồi nhậu bia lai rai với ông cạnh hồ cá vàng hoặc xem Football với nhau vào cuối tuần.

Chiếc cần câu bỗng cong xuống, ông ta giật cây cần lên thật mạnh, một sức nặng vùng vẫy dưới cánh tay ông, rồi bóng nước văng tung tóe trên mặt biển. Thấp thoáng dưới mặt nước là một hình con cá lượn qua lượn lại cách tàu của ông khoảng bảy thước.

”Con cá này cũng vào khoảng ít nhất là bảy tám “pounds”.

Ông nhủ thầm rồi vừa từ từ quây sợi giây câu vào, ông vừa cẩn thận hướng chiếc cần về phía lái tàu để kéo con cá về phía đó. Chú cá vừa vùng vẫy vừa lượn quanh và cố tìm cách để thoát chạy nhưng càng vùng vẫy chừng nào, càng làm cho lưởi câu bám chặt thêm vào mang cá và làm cho chú kiệt sức nhanh hơn. Ông cẩn thận kéo giây vào, vừa giữ cho cần câu theo chiều của cá lội để lưởi câu khỏi sút ra và giây cước không bị đứt vì sức kéo của cá.

Sau gần mười phút tranh đấu giữa cá và người thủy thủ già, ông cảm thấy thấm mệt, hai cánh tay ông mỏi nhừ, chú cá vẫn tiếp tục vùng vẫy. Ông nghĩ đến cô con gái và hai đứa cháu ngoại trai sắp đến thăm vào cuối tuần, vui vẻ tăng thêm sức mạnh của ông. Ðã đến lúc chú cá phải đầu hàng và phần chiến thắng nghiêng hẳn về người thủy thủ. Ông với tay lấy sẵn chiếc vợt lưới rồi kéo giây câu mạnh hơn, chú cá đã mệt phờ nên không còn hung hăng như trước nữa và để mặc cho ông kéo vào gần mạn tàu. Ông dùng tay trái giữ cần câu, còn tay mặt cầm chiếc vợt xúc chú cá lên bong tàu.

Ông thích thú nhìn con cá nằm thở, đây là một loại cá hanh biển màu đen giống như loại cá mà những nhà hàng Tàu thường hấp tương gừng; thịt loại cá này rất thơm và ngon miệng. Ông cẩn thận lấy lưởi câu ra khỏi mang cá, rồi dùng hai tay đưa con cá lên cao để nhìn. Ông cảm thấy vui như vừa thắng một cuộc tranh tài và đang đón nhận chiếc cúp giải thưởng.
Đột nhiên, khi ông nhìn vào đôi mắt đẩm ướt của chú cá hanh, ông cảm thấy chạnh lòng cho con vật đáng thương này. Một cảm nghĩ lạ lùng cùng với niềm thương chợt đến trong tâm hồn người thủy thủ và trong một thóang giây ngắn ngủi, ông nghĩ đến thuyết luân hồi của đạo Phật. Thế rồi, ông không chần chờ gì nữa, người thủy gìa cầm con cá trong hai bàn tay mình và từ từ thả chú cá xuống nước. Ông tiếp tục nhìn theo thân hình con cá nhỏ dần và rồi chìm khuất dưới gìong nước xanh thẩm của đại dương.
Ông lấy lọ mồi móc mồi khác vào lưởi câu và cũng như lần trước tung giây về phía trái của chiếc tàu, đang tiếp tục trôi bềnh bồng trên giòng nước nhẹ. Lần này ông dựng cây cần câu vào cái ống sắt gần cạnh mạn tàu, rồi ông lấy chiếc bình thủy đựng nước trà ra, rót vào chiếc tách sành màu trắng có in hình con phượng hoàng chân cầm hai chiếc mỏ neo. Ðây là dấu hiệu của Sĩ quan Hải Quân Mỹ. Phía bên trái của chiếc tách là hai chữ CO - Chỉ Huy Trưởng - màu vàng óng ánh. Chiếc tách này là quà tặng của một cậu con trai của ông, một Sĩ quan Hải Quân Hoa Kỳ đã tốt nghiệp Hàn lâm viện Hải quân- U.S Naval Academy tại Annapolis, Maryland- và hiện nay đang phục vụ trên một Tuần dương hạm-Cruiser (CG)- của Hải quân Hoa Kỳ.

Trà Thiết Quan Âm tỏa mùi thơm nhè nhẹ, vị trà hơi đắng và không dịu như trà Tam Hỷ mà cha của ông thường uống trong những chiếc tách nhỏ hạt dưa. Khi ông còn nhỏ, cha của ông thường cho ông thưởng thức trong những buổi sáng mùa đông gió lạnh mưa nhiều tại nơi chôn nhau cắt rún. Ông nhắp từng ngụm trà nhỏ, thưởng thức vị trà đắng dịu chạy vào cơ thể và cảm thấy lòng nhớ nhiều về những kỷ niệm xa xưa mà rơm rớm nước mắt. Ông hay xúc động trước những hình ảnh, những âm thanh hoặc tất cả những gì có liên quan đến quá khứ và quê hương Mẹ. Ðôi lúc ông muốn bỏ tất cả để trở về thăm quê hương, nhưng chỉ sợ những đổi thay bên xứ mình sẽ xóa tan kỷ niệm đẹp trong lòng ông. Thôi thì cứ giữ lại trong tâm khảm dĩ vãng êm đềm của thời xưa và hình bóng tuyệt vời của cố hương, để rồi sẽ mang hình ảnh đẹp này theo với ông, khi ông nằm xuống mãi mãi.

Ông đứng dậy kiểm soát lại chiếc cần câu rồi nhìn về phía bờ thấp thoáng từ xa. Chiếc tàu của ông đang theo ngọn thủy triều trôi vào hướng bờ đó, nơi có người vợ của ông đang chuẩn bị buổi cơm chiều cho hai vợ chồng. Chung quanh tàu ông là biển nước, xa hơn tí nữa là chân trời phía hữu hạm, cao hơn là trời mây với những đám mây kết lại thành những hình hài quái dị không tên tuổi. Xa hơn một chút nữa là vũ trụ muôn trùng, nơi khởi đầu của thế giới và vạn vật, thành hình sau "Một tiếng nổ bùng" dữ dội và lớn nhất. Nơi đây cũng là mức tới của cuối cuộc đời, của muôn loài, của vạn vật.

Bỗng nhiên ông như vừa tìm ra được lời giải đáp cho câu hỏi của đời mình, ông cảm thấy vui sướng vô cùng, ông muốn la lớn lên, ông muốn nói to lên cho chính mình và cho con chó già, bạn đời của ông nghe về sự khám phá tuyệt diệu này. Thì ra cả suốt cuộc đời ông lăn lộn và tranh đua cũng chỉ là để chuẩn bị cho một hành trình trở lại điểm khởi thủy, nơi đã đào tạo ra mình.

Vũ trụ tạo ra muôn loài, sự thành hình của thế giới, của vạn vật, của loài người, chỉ là một sự xoay vần có tính toán.

Thời điểm đầu lại là của sự chấm dứt trước đó, điểm đích cuối lại là một sự bắt đầu cho chu kỳ thứ hai và cứ thế tiếp diễn liên tục không chấm dứt vì chấm dứt là khởi đầu.
Ông cảm thấy xúc động mạnh, một tình cảm lạ lùng đang dâng lên tột cùng trong người ông...

Mặt trời đã đứng bóng, chiếc tàu vẫn nhấp nhô theo giòng nước trôi về phía bờ xa, gió biển vẫn nhè nhẹ thổi, mây trắng vẫn bềnh bồng trôi trên bầu trời xanh và người thủy thủ già từ từ nhắm mắt lại. Văng vẳng bên tai ông còn nghe đâu đây, tiếng nói của vị Thống Tướng Douglas MacArthur, vị Tư Lệnh Tối Cao Lực Lượng đồng minh Ðông Nam Á nổi tiếng của Hoa kỳ, người từng đánh bại Quân đội hùng mạnh thiện chiến của nước Nhật bản tại Thái Bình Dương, ngăn chận làn sóng đỏ Cộng sản tại Cao Ly, Sĩ quan xuất thân từ Hàn Lâm Viện Võ Bị West Point:

”Old Soldiers never died, they just faded away.”
Những Người Lính Già không bao giờ chết, họ chỉ phai mờ đi mà thôi...


Mùa hè năm 2009

Lê Bá Thông





Trỏ lại từ đầu